Trọng Bằng tên thật là Nguyễn Trọng Bằng, sinh ngày 1/5/1931 tại Cao Bằng, quê ở Gia Lâm, Hà Nội, trong một gia đình công chức, có cha làm ở Sở Lục lộ, và có truyền thống âm nhạc, hai anh của Trọng Bằng là Trọng Loan và Trọng Long, đều là nhạc sĩ, nhạc công có tài, đã giúp người em trong sự phát triển năng khiếu âm nhạc. Ngay từ nhỏ, Trọng Bằng đã say mê âm nhạc và luôn luôn làm bạn với cây đàn ghi ta. Năm 20 tuổi Trọng Bằng được vào khoa Văn Trường Sư phạm cao cấp liên khu IV (tức Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nay) học, khoá 1951 - 1953. Chàng sinh viên Trọng Bằng không những học giỏi Văn, anh còn có tài sáng tác ca khúc với nhiều bài hát nổi tiếng thời bấy giờ như bài: Chạy bạt mông, Cánh bồ câu trắng, Đấu tranh vì ngày mai… Sau khi tốt nghiệp Sư phạm Cao cấp, khoá 1, anh được cử đi công tác văn nghệ tại mặt trận Trung Lào, sau đó ra Việt Bắc làm đội trưởng Đội ca nhạc đoàn văn công Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam). Sau năm 1954, Trọng Bằng cùng giới nghệ sĩ về tiếp quản Thủ đô và ra mắt người Hà Nội trong vai trò chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng – Hợp xướng tại Nhà hát lớn với những giai điệu hào hùng của Văn cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước. Từ 1956 - 1963 anh được đi học tại Liên Xô và đã tham gia chỉ huy dàn nhạc Giao hưởng tại Bắc Kinh, Mátxcơva, Vacsava, Kiép, Lêningrat. Trọng Bằng là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bằng đỏ tại Nhạc viện Tchaikovsky (Nga) năm 1963. Về nước, Trọng Bằng làm giảng viên Nhạc viện Hà Nội, kiêm Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng. Từ 1984 – 1996, anh làm Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Sau đó Trọng Bằng được phong hàm Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân, được bầu làm Tổng Thư kí Hội nhạc sĩ Việt Nam, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo nghệ thuật dàn nhạc Giao hưởng, đại biểu Quốc hội khoá X. Trọng Bằng sáng tác cả thanh nhạc lẫn khí nhạc. Tập ca khúc Tình quê hương (NXB Văn hoá năm 1976) của Trọng Bằng đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong người nghe như: Tình quê hương, Tây Bắc sáng lại, Nhịp máy Khoan, Bão nổi lên rồi,… Trọng Bằng còn viết nhạc cho sân khấu kịch như vở Làng đỏ, Bão biển… và viết nhạc cho phim như phim: Cù Chính Lan, Biển lửa, Ngày Lễ Thánh.
Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Bằng là một nhạc sĩ tài năng, anh không những sáng tác, mà còn là một nhà lí luận xuất sắc, nhà Sư phạm giàu kinh nghiệm, người chỉ huy dàn nhạc tài giỏi, góp phần xây dựng phát triển nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.
(Nguồn: Tiếng hát Sư phạm)