Nhà thơ Phạm Tiến Duật (14/1/1941 - 4/12/2007), quê huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, ông nhập ngũ, vào Trường Sơn chiến đấu. 14 năm trong quân ngũ thì ông đã sống, chiến đấu, gắn bó với Trường Sơn 8 năm và đây cũng là thời ký ông sáng tác nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng, trong đó có bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây đã được phổ nhạc rất phổ biến.
Có thể nói Phạm Tiến Duật là nhà thơ được tôi luyện và trưởng thành trong kháng chiến, và được biết đến là nhà thơ lớn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Năm 1969, ông đoạt giải Nhất báo Văn nghệ với chùm thơ gồm các bài: Lửa đèn, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong, Nhớ. Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi này, năm 1970, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Rời quân ngũ, ông về làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Ông từng giữ chức vụ Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam.
Ông đã xuất bản một số tập thơ như: Vầng trăng quầng lửa, Thơ một chặng đường, Ở hai đầu núi, Vầng trăng và những quầng lửa, Nhóm lửa, Tiếng bom và tiếng chuông chùa. Với những cống hiến của mình, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2001, và năm 2012 được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
Nguồn: Phòng CTTC-HSSV