PGS.TS. Đào Tuấn Thành – PGS. TS Đào Tố Uyên
Trong lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội, trong số rất nhiều cựu sinh viên tiêu biểu, GS. Phan Huy Lê là người nổi bật. GS. Phan Huy Lê sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại làng Thu Hoạch (nay là xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) - một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, dòng tộc nội, ngoại đôi bên đều danh tiếng về khoa bảng với nhiều danh nhân văn hóa. Chính quê hương và dòng tộc đã góp phần quan trọng tạo nên những tố chất và nhân cách của GS. Phan Huy Lê.
Năm 1952, ông học trường Dự bị đại học ở Thanh Hóa rồi được chọn vào học Ban Sử - Địa (tiền thân của Trường ĐHSP Hà Nội), dường như số phận đã hướng ông theo con đường nối nghiệp tổ tông dòng họ Phan Huy nổi tiếng. Năm 1956 trường Đại học Tổng hợp được thành lập, ông được các thầy Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh nhận ngay vào khoa Lịch sử và được GS. Đào Duy Anh chỉ dẫn trực tiếp. Hai năm sau, năm 1958 khi GS. Đào Duy Anh chuyển công tác về Viện Sử học, ông đã vững vàng trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn quan trọng khi mới 24 tuổi.
Từ đó cho đến năm 2018, ông đã đảm nhận nhiều cương vị công tác khác nhau như: Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Ủy viên Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hà Nội; Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (từ 1988 đến 2018); Ủy viên Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia (nhiệm kỳ 1 và 2); Phó Chủ tịch, Hội đồng Đảng Đoàn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ nhiệm khoa Đông Phương học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH & NV), Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia.
GS. Phan Huy Lê là một nhà khoa học có trí tuệ trác việt, tinh thần làm việc quên mình và năng suất lao động khoa học đáng kinh ngạc. Qua hơn 60 năm hoạt động khoa học, ông đã công bố trên 450 công trình nghiên cứu, gồm các sách và bài báo khoa học thuộc các lĩnh vực sử học, văn hóa học, văn bản học, xã hội học và nhiều lĩnh vực mang tính liên ngành khác. Đặc biệt đối với thành phố Hà Nội, GS. Phan Huy Lê đã nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu về Thăng Long, về Hoàng Thành và nhiều vấn đề khác về lĩnh vực Hà Nội học. GS. Phan Huy Lê là người trực tiếp tham gia và làm chủ nhiệm, tổng chủ biên các công trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia như: Bộ Quốc sử Việt Nam, bộ Lịch sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam… GS. Phan Huy Lê là người đầu tiên xây đắp nền móng để hình thành nên ngành Việt Nam học tại Việt Nam và thế giới. Ông được các đại học danh tiếng của các nước phát triển mời thỉnh giảng khi ông còn rất trẻ như: Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Amsterdam (Hà Lan). Ông đã được các tổ chức quốc tế đánh giá và tặng nhiều danh hiệu cao quý: Ông là người duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế Văn hóa Á Châu FUKUOKA (Nhật Bản), được tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Chính phủ Pháp (2002), nhận danh hiệu Viện sĩ Thông tấn Nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Cộng hòa Pháp (2011),...
GS. Phan Huy Lê là một nhân cách sử gia lớn, “cây đại thụ” của nền sử học Việt Nam, người có ảnh hưởng sâu sắc, lan tỏa và dẫn dắt nhiều thế hệ nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua.
Với sự nỗ lực và cống hiến không ngừng, GS. Phan Huy Lê đã được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước như: Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo Ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994), Chuyên gia Cao cấp (2003); được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (2016), Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985); Huân chương Lao động các hạng Nhất (1998), Nhì (1994), Ba (1974, 2012); được tặng Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017), Công dân Ưu tú Thủ đô (2010), danh hiệu Trí thức và Khoa học Công nghệ tiêu biểu (2015). GS. Phan Huy Lê là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và đã vinh dự nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.
Trong hoạt động giáo dục, GS. Phan Huy Lê xứng đáng được tôn vinh là bậc danh sư. Ông đã truyền thụ và dẫn dắt nhiều thế hệ học trò thành đạt, đã và đang giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo và quản lý ở trong và ngoài nước.
Giáo sư, Viện sĩ, NGND. Phan Huy Lê đã trở thành huyền thoại, niềm kiêu hãnh của giới nghiên cứu lịch sử và là tấm gương sáng, đẹp cho cả giới trí thức.
Hà Nội, mùa Thu 2021