Niềm hạnh phúc của thế hệ sinh viên Sư phạm đầu tiên
Hầu như đã thành quy luật là ở mỗi thời điểm lịch sử đặc biệt, mỗi dân tộc đều kết tinh những nhân vật chính trị, văn hoá không thể lặp lại được. Nửa đầu thế kỷ XX ở nước ta đã xuất hiện trong lĩnh vực văn hoá những tên tuổi làm sáng danh cho dân tộc. Nhìn hẹp trong lĩnh vực giáo dục, có điều lý thú là một số danh nhân văn hoá đồng thời cũng là những nhà giáo có tên tuổi: Hoàng Ngọc Phách, Lê Thước, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giầu, v.v… Dĩ nhiên từ góc nhìn của nhà trường, tôi có thể nhắc đến ở đây những tên tuổi gần gũi nhất với thế hệ sinh viên của những ngày đầu thành lập trường Sư phạm Cao cấp, tiền thân của trường Đại học Sư phạm Hà Nội chúng ta ngày nay.
Trên đường đời lập nghiệp, không ai không lưu giữ trong tâm trí mình những kỷ niệm, niềm vui, nỗi buồn sâu sắc nhất, đặc biệt là về những con người, những nhân cách lớn đã để lại cho mình những dấu ấn không bao giờ có thể phai mờ. Thế hệ của chúng tôi lớn lên với Cách mạng Tháng Tám. 17, 18 tuổi, vừa học xong phổ thông trong những năm đầu tháng chiến còn gian nan, một số đã lên đường nhập ngũ. Không ít bạn bè đã bỏ mình vì sốt rét ác tính trên đường đi Việt Bắc, hoặc hy sinh trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Có một vài anh chị em khao khát học lên do hoàn cảnh riêng đã “vào thành” (1). Số công chúng tôi chưa biết sẽ tiếp tục con đường học hành như thể nào thì trường Dự bị Đại học - Sự phạm cao cấp theo chủ trương của Trung ương đã thành lập ở Khu IV, do giáo sư Đặng Thai Mai đứng đầu với sự tham gia của những nhà văn hoá có tên tuổi như Cao Xuân Huy, Trân Văn Giàu, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc,... Có thể nói là duyên trời, ơn Đảng đã cho chúng tôi được niềm vinh dự và hạnh phúc làm học trò nhỏ của các thầy, một bộ phận trí thức tiêu biểu của dân tộc ta thời bấy giờ.
Trưởng thành trong công tác, trong học hành, anh chị em chúng tôi dần dần nhận ra một điều bí ẩn về sức mạnh giáo dục đặc biệt mà các thầy đã truyền cho mỗi chúng tôi. Càng khôn lớn lại càng thấm thía như một ơn sâu mà ngay khi ngồi trên ghế nhà trường mấy năm liền vẫn chưa thể nhận ra được. Hầu hết học trò của các thầy trong khoá I đều thành đạt, trở thành những nhà khoa học đầu ngành, những nhà quản lý, những chuyên viên cao cấp, nhiều người là nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú có tên tuổi đã quen thuộc trong, ngoài nước. Chúng tôi cứ tự hỏi đâu là bí quyết đào tạo của các thầy? Điều kiện đào tạo thời bấy giờ quả là bất bình thường trong cảnh khó khăn chung của đất nước đang phải đương đầu với cường quốc thực dân. Lớp học là những ngôi đình ẩn khuất dưới những lùm cây. Bàn ghế không có, chỉ là những chiếc “bàn kẹo kéo” xếp lên và sinh viên ngồi ngay dưới mặt đất. Học về ban đêm. Ánh sáng tự túc bằng ngọn đèn làm từ những hộp sắt mỏng và những lọ penixilin. Ánh sáng càng thu nhỏ càng tốt, vừa tiết kiệm lâu vừa tránh được máy bay địch. Mỗi tháng 15 cân gạo. Có khi phải đi gánh xa hàng mấy chục cây số. Bữa ăn chỉ có rau. Có khi cuối tháng phải chấm rau muống bằng nước luộc pha với muối. Giáo trình không có, chỉ có lời giảng của thầy. Có những buổi học Lịch sử, thầy Đào Duy Anh nhường đèn cho sinh viên và thầy ngồi nói suốt ba bốn tiếng đồng hồ liền trong bóng tối về bao nhiêu sự kiện lịch sử, với hàng trăm số liệu không biết làm sao mà thầy có thể nhớ được. Thầy Mai mệt vẫn nằm võng giảng cho nghe về văn học Hy La. Khối óc uyên thâm và cặp mắt sáng ngời của thầy dẫn dắt chúng tôi vào những miền ký ức xa xăm của thầy và thế giới văn minh kỳ lạ của người cổ đại. Thấy Giầu bao giờ cũng sôi nổi, hùng biện, chặt chẽ, đầy sức chiến đấu. Giờ Triết mà hấp dẫn sôi nổi đầy ắp hơi thở đời sống chính trị - xã hội trong ngoài nước. Thầy Tửu khúc triết, chặt chẽ, sắc sảo, nắm chắc từng tác giả, tác phẩm, sự kiện và câu chuyện văn học của cả giai đoạn 1930 - 1945 mà thầy là một nhân chứng lịch sử . Thầy Tường với tầm nhìn khái quát lịch sử văn hoá, văn chương giáo dục phương Tây đã nâng sinh viên lên trên giới hạn chật hẹp của tư duy máy móc giáo điều. Riêng về tiếng Pháp của thấy Huy thì thú thật chúng tôi không đủ trình độ để tiếp nhận được độ sâu, tầm nhìn của thầy qua từng chữ, từng câu, từng ý trong những bài văn trích mà thầy khai thác một cách uyên bác và tinh tế.
Phải về sau mới nhận ra những thiệt thòi của tuổi trẻ non dại. Học tập và giảng dạy ngày nay đã có biết bao nhiêu thuận lợi so với những ngày chiến tranh gian khổ. Nhưng vì sao hiệu quả đào tạo lại thấp hơn, chất lượng giáo dục sau đại học sao có chiều hướng giảm sút một cách nghiêm trọng. Chúng ta đã tìm đến nhiều giải pháp vĩ mô và vi mô nhưng chất lượng vẫn không lên. Dĩ nhiên rồi đây, chúng ta phải hiện đại hoá các quy trình đào tạo, phải dựa vào công nghệ giáo dục, phải xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho nhà trường, phải tạo điều kiện cho thông tin khoa học, phải xây dựng môi trường sư phạm v.v… phải hoàn thiện chương trình và giáo trình nhưng xét cho cùng then chốt của vấn đề chất lượng, đầu mối của mọi thứ là chất lượng ông thầy. Tất cả mọi cải tiến nâng cao, đổi mới đều phải thông qua người thầy mới thành hiệu quả giáo dục và đào tạo. Có tất cả mà ông thầy non kém về tri thức, và tài năng sư phạm, về nhân cách thì tất cả chỉ là đồ trang sức. V.I. Lênin đã phát biểu một chân lý tuyệt vời là không gì thay thế được ông thầy. Phải chăng bí quyết thành công của một thế hệ thầy giáo ưu tú mà chúng tôi được may mắn làm môn đệ đến nay vẫn còn là bài học thấm thía nhất đối với mỗi chúng ta trong nhà trường đại học cũng như cho ngành giáo dục đào tạo và cho tất cả các nhà quản lý quốc gia trên con đường đưa đất nước vào thế kỷ XXI. Phải đầu tư thích đáng bằng mọi cách để tạo ra những mũi nhọn mà những ông thầy uyên thâm về kiến thức, mẫu mực về nhân cách, vững vàng về tay nghề là khâu đột phá đầu tiên có khả năng nâng nhanh chất lượng giáo dục và đó cũng là nguồn tiềm năng nội lực lâu dài cho nền văn hoá, khoa học của đất nước vào thế kỷ sắp tới.
GS. NGND. Phan Trọng Luận, Khoa Ngữ văn
(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội – Một nửa thế kỷ )
(1) Bấy giờ hay gọi là “dinh tê” nghĩa là vào vùng dịch tạm chiếm.