Những kỉ niệm không thể nào quên

Tôi đang dạy học tại trường trung học Nguyễn Thái Học tỉnh Vĩnh Yên; trường phải sơ tán ở Ngọc Kỳ, một làng miền Núi phía Bắc huyện Lập Thạch. Theo quyết định tôi phải lên Tuyên Quang vào Hiên giáp với Yên Bái gặp anh Nguyễn Văn Chiến để nhận nhiệm vụ đưa học sinh Việt Nam sang học tại các trường trong Khu học xá Trung ương đóng tại Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Suốt từ Vĩnh Yên lên Tuyên Quang rồi sang Thái Nguyên lại ngược lên Lạng Sơn tập kết tại một bản người Tày gần hang Bắc Sơn, đều phải lội bộ. Hồi đó núi rừng còn rất rậm rạp mà không dám đi giữa ban ngày, sợ máy bay địch đi lùng sục bắn phá. Tôi nhận đưa đoàn học sinh thứ 7 từ Bắc Sơn sang Trung Quốc. Đoàn hành quân theo biên chế một đại đội phải đi đêm, ngày tản vào rừng để bảo đảm bí mật. Đến Bằng Tường thì có ôtô của bạn (xe tải quân sự) đón đi Nam Ninh - hồi đó chưa có đường sắt về đến Bằng Tường. Về tới khu học xá, bàn giao xong công việc, tôi được đưa về trường Sư phạm Cao cấp để kịp khai giảng.           

Trường Sư phạm Cao cấp và trường Khoa học Cơ bản thuộc khu Đại học của Khu học xá Trung ương. Hai trường có chung các thầy mà Hiệu trưởng đầu tiên là giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Thiêm(*). Khoá I chúng tôi có 27 sinh viên chia làm 3 ban: Toán Lý, Lý Hóa và Hoá Sinh. Trường đào tạo các giáo viên cấp 3 với chuyên ngành chính là Toán cho ban Toán Lý (7 sinh viên), Sinh vật cho ban Hóa Sinh (9 sinh viên) còn ban Lý Hóa (11 sinh viên) thì chú trọng đều cả hai môn Vật lý và Hóa học. Đa số chúng tôi sau này ra dạy học đều phải dạy cả 2 môn học của ban mình. Ngoài các môn cơ bản học chung với trường Khoa học cơ bản chúng tôi cũng có những môn học riêng. Ban Toán Lý chúng tôi học thêm Đại số, cơ sở Hình học do thầy Thiêm giảng dạy. Đó là những môn học rất bổ ích cho chúng tôi: mở rộng, nâng cao và hoàn chỉnh các kiến thức của bộ môn Toán học Sơ cấp mà sau này chúng tôi phải sử dụng đến. Lần đầu tiên chúng tôi được thầy Thiêm giảng về Hình học phi ơ-clit và lý thuyết phương trình đại số. Thầy giảng rất say sưa, mỗi giờ lên lớp là biết bao nhiêu kiến thức mới - thầy vừa nói vừa viết nhanh trên bảng rồi lại xoá ngay - chúng tôi phải hết sức tập trung theo dõi, học cách ghi tắt cực nhanh mới ghi được đầy đủ bài giảng. Thầy Nguyễn Xiển giảng cho chúng tôi về Toán học Giải tích và Lý thuyết xác suất. Thầy quả là một mẫu mực lớn về sư phạm. Chúng tôi học tập rất nhiều ở thầy không những về tính khoa học của bài giảng mà còn về tác phong ung dung bao quát, cách diễn đạt trong sáng lôi cuốn, từ lời nói đến cách viết đều toát lên một tính cách cao đẹp của người thầy ở Đại học. Thầy Ngụy Như Kontum dạy chúng tôi Vật lý đại cương - thầy giảng bài rất chu đáo, buộc chúng tôi phải nắm vững kiến thức và thực hiện đầy đủ các bài thí nghiệm. Chúng tôi còn có thầy Nguyễn Cảnh Toàn hồi đó chữa bài tập Giải tích cho cả 2 trường và thầy Dương Trọng Bái phụ trách phòng thí nghiệm Vật lý. Các ban khác cũng có những chương trình riêng của ban mình.

Các thầy đối với sinh viên chúng tôi (đại đa số là cán bộ giáo viên được cử đi học) rất thân mật và cởi mở. Chúng tôi đều gọi các thầy là anh và xưng là em. Những tiếng thân thương: anh Thiêm, anh Xiển, anh Kontum, anh Cang, anh Cát, anh Tiến, anh Kế, anh Toàn, anh Bái còn ấm áp với chúng tôi mãi tận đến ngày nay. (thầy Hoàng Ngọc Cang, thầy Nguyễn Thạc Cát dạy Hóa, thầy Đào Văn Tiến, thầy Lê Khả Kế dạy Sinh vật).

Trong số 27 sinh viên của khoá 1 có 3 nữ là các chị Nghiêm Chưởng Châu, Vũ Thị Liên (Toán lý) và Đỗ Thị Trang (Hóa sinh) các sinh viên nam (24 người) ở gọn trong gian trong của 1 cái đình kê vừa khít 12 cái giường gỗ 2 tầng. Gian ngoài nhỏ hơn có 2 buồng, bên phải ở trong nhìn ra là buồng làm việc kiêm cả buồng ngủ của anh Thiêm, buồng bên trái là nơi làm việc và nhà kho của anh Thảo (phụ trách quản trị của cả 2 trường) một bên tả mạc được ngăn thành một số buồng nhỏ trong đó 2 buồng dành cho 8 chị nữ sinh của 2 trường, hai buồng dành cho hai gia đình anh Tiến và gia đình anh Toàn.

Hai năm đầu, toàn thể cán bộ công nhân viên, sinh viên học sinh của Khu học xá đều được bố trí ăn ở trong những ngôi đình như vậy nằm rải rác trong các thôn của xã Tâm Hư cách thành phố Nam Ninh 10km. Đây là một xã nghèo, rất lạc hậu thuộc dân tộc Choang. Thời kỳ này Trung Quốc mới được giải phóng, nước bạn đang tiến hành công cuộc thổ cải, tiễn phi trừ gian rất ác liệt. Để đảm bảo an ninh cho chúng tôi, thường xuyên có một đơn vị giải phóng quân đến đóng gần chỗ chúng tôi ngày đêm canh giữ.

Sáng sớm khoảng 5 giờ, nghe tiếng chuông lắc của Hiệu bộ, chúng tôi dậy tập thể dục. Vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong là giờ lên lớp. Chiều 2 giờ bắt đầu đi làm thí nghiệm hoặc lên lớp, tự học cho đến 5 giờ là sinh hoạt thể thao. Tối tự học từ 7 giờ đến 10 giờ thì tắt đèn đi ngủ. Hồi đó chưa có điện, phải thắp đèn dầu hoả, mọi việc ăn, ở sinh hoạt vật chất đều do Chính phủ và nhân dân Trung Quốc chu cấp, trường chỉ lo công việc dạy học, tu dưỡng rèn luyện về mọi mặt để sẵn sàng về nước phục vụ cho tốt. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, toàn trường dấy lên một không khí thi đua học tập sôi nổi, tranh thủ thời gian tự học thêm. Sang năm 1952 chúng tôi tích cực tự học tiếng Nga và sau vài tháng nỗ lực kiên trì chúng tôi đọc và dịch được những tài liệu chuyên môn của ban mình. Đến đầu năm 1953 chúng tôi được Tổng hiệu bộ Khu học xá giao trách nhiệm dịch các sách giáo khoa trung học của Liên xô và một số tài liệu tham khảo khác. Những bản dịch đó sau được chỉnh lý, in stencil và được phân phối rộng rãi cho nhiều trường cấp 3 của ta trong nước. Những tài liệu này thực sự đã giúp chúng ta có được những nội dung giảng dạy tiên tiến đáp ứng với nhu cầu chính trị của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Cách chỗ ở của chúng tôi khá xa có một hồ nước khá rộng. Mọi người đều đến đấy tắm giặt, bơi lội. Chúng tôi thường đi gánh nước ở đó về dùng cho sinh hoạt. Hàng ngày luân phiên từng nhóm, chúng tôi gánh độ 10 đôi thùng nước về cho nhà bếp. Các thầy cũng đi gánh nước. Thầy Xiển, thầy Cang tuy nhiều tuổi nhưng ngày nào cũng gánh đều đặn 3 - 4 gánh. Thầy Kontum, thầy Thiêm nhiều hôm mưa gió đường trơn vẫn không quên gánh nước. Nhìn các thầy gánh những thùng gỗ đầy nước lặc lè, chúng tôi rất cảm phục. Buổi chiều, đến giờ thể thao các thầy lại hoà nhập với chúng tôi chơi bóng. Nếu như thầy Xiển, thầy Cang là những cầu thủ đưa bóng, sút bóng rất giỏi, thì thầy Thiêm, thầy Toàn, thầy Kontum lại là những cây vợt cừ khôi làm cho khối người đánh bóng bàn chúng tôi phải lao đao. Thế đấy, sau những giờ lên lớp, thầy trò chúng tôi chan hoà với nhau trong mọi hoạt động, sát cánh, gắn bó với nhau như anh em thân thiết. Những hình ảnh đẹp đẽ đó còn in đậm trong trái tim mỗi người chúng tôi đến mãi về sau này. Cùng với trường bạn Khoa học Cơ bản chúng tôi thành lập các đội tuyển bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn của khu Đại học tham gia thi đấu với các đơn vị bạn trong Khu học xá và với đội thanh niên Nam Ninh. Đội hợp xướng của khu Đại học với thành phần đông đảo là sinh viên hai trường đã gây được ấn tượng tốt đẹp về chất lượng và phong thái biểu diễn trong toàn Khu học xá.

Trong năm thứ hai chúng tôi có cuộc cải tạo tư tưởng - đây là một đợt học tập chính trị sâu rộng, kiểm thảo tư tưởng từng cá nhân. Các thầy cũng học tập cải tạo và một số thầy như thầy Thiêm, thầy Xiển, thầy Cang được kiểm thảo điển hình với sự tham gia của sinh viên trường Sư phạm Cao cấp. Tuy có nặng nề và gay gắt nhưng cuộc học tập cải tạo này cũng giúp cho chúng tôi hiểu mình nhiều hơn và xác định cho mình lập trường và quan điểm phục vụ chính xác hơn.

Càng gần đến ngày về nước, chúng tôi ra sức học tập, chuẩn bị thi tốt nghiệp, mặt khác lo chuẩn bị hành trang cho mình. Hành trang chủ yếu của chúng tôi là sách vở, tài liệu. Hầu hết chúng tôi đều dành toàn bộ sinh hoạt phí ít ỏi của những tháng cuối cùng để tìm mua sách, chủ yếu là sách Liên Xô và một phần là sách chụp của các trường đại học của Anh và Mỹ mà các hiệu sách ở Quảng Châu, Nam Ninh có bán. Để mang được nhiều, chúng tôi lột bỏ hết bìa cứng và xén cắt sách đến sát gần với hàng chữ in - những cuốn sách to đẹp bây giờ trở nên trần trụi, nhỏ bé, nhưng chẳng hề gì, các dòng chữ còn lại trên các trang sách mới là chủ yếu. Chúng được xếp đầy, nặng trĩu trong các ba lô của chúng tôi. Chúng tôi biết rằng quần áo còn có thể kiếm được nhưng sách thì quý vô cùng, và sau này khi về nước, thực tế đã chứng tỏ rằng chúng tôi rất có lý. Những tài liệu mang về được so với những gì có được ở một trường cấp 3 hồi đó là đáng kể.

Kỳ thi tốt nghiệp của khoá 1 rất nghiêm chỉnh, nó được đánh giá theo 3 mặt: kiến thức, phương pháp giảng dạy và tác phong sư phạm. Mỗi ban có một hội đồng giám khảo riêng và thang 5 điểm, ai được ba điểm 3 trở lên là trúng tuyển. Đa số chúng tôi tốt nghiệp từ loại khá trở lên. Bạn Trần Kiếm Tiềm ban Hoá Sinh ốm đau liên tục nên không dự thi được.

Trừ 5 bạn được giữ lại công tác tại Khu học xá, còn lại tất cả chúng tôi hào hứng phấn khởi lên đường về nước. Khi về phía nước bạn đã cho xe lửa đưa chúng tôi về đến biên giới. Từ Đồng Đăng lại đi đêm theo đường Bắc Sơn, Đình Cả, Võ Nhai về Thái Nguyên rồi vượt qua Đại Từ, vượt đèo Khế lên Tuyên Quang vào Chiêm Hoá tập trung tại Bộ Giáo dục. Từ đây chúng tôi nhận quyết định trở về các trường cấp 3 để dạy học. Tuy số lượng được đào tạo ra của khoá 1 còn rất khiêm tốn (26 người) nhưng cũng là một lực lượng đáng kể tăng cường cho các trường cấp 3 từ Nghệ Tĩnh trở ra. Hồi đó mỗi tỉnh mới có 1 trường cấp 3 và không phải tỉnh nào cũng có. Sau này kháng chiến thắng lợi, tình hình đất nước phát triển chúng tôi lại phải đảm đương những nhiệm vụ mới nhưng những kỷ niệm không thể nào quên của khoá 1 Đại học Sư phạm luôn động viên thúc đẩy chúng tôi ra sức học tập để làm tốt công tác của mình. Rất nhiều bạn đã trở về giảng dạy và công tác tại trường ta Đại học Sư phạm Hà Nội: khoa Toán có Hoàng Chúng (sau về trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh), Nguyễn Bá Thịnh; Khoa Lý có Đào Văn Phúc, Hoàng Quý (sau về nhà xuất bản Giáo dục), Lưu Văn Tạo; khoa Hoá có Nguyễn Hữu Dũng (sau về Cục đào tạo Bộ Giáo dục), Nguyễn Ngọc Quang, Đỗ Thị Trang; khoa Sinh có Nguyễn Văn Tiêu (sau về Công ty thiết bị Bộ Giáo dục), Nguyễn Văn Lê (sau về trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý Bộ Giáo dục), Lê Quang Long, Đoàn Trọng Bình. Về trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có các bạn Nguyễn Đình Khoa, Võ Quý (khoa Sinh). Bạn Dương Xuân Hảo về trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (Địa chất). Các bạn Nguyễn Văn Chù (Toán) Nguyễn Trọng Di (Lý) về trường Đại học Sư phạm Vinh. Bạn Phạm Doãn Hậu về khoa Lý trường ĐHTH TP. Hồ Chí Minh các bạn khác làm công tác quản lý: Nghiêm Chưởng Châu, Nguyễn Kỳ (thứ trưởng Bộ Giáo dục); Chu Thế Kỳ (Sở Giáo dục Bắc Thái), Nguyễn Khoai (trường Lào) - hoặc công tác xây dựng ngành Phổ thông như Lê Hải Châu (bộ Giáo dục), Nguyễn Xuân Vòn (Nam Hà), Vũ Thị Liên (Hà Nội, sau về Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam).

Thấm thoát đã trải qua nửa thế kỷ, trường ta đã trưởng thành vượt bậc và trở thành trường Đại học Sư phạm trọng điểm của cả nước. Chúng tôi rất tự hào về những thành tích to lớn của trường. Là một sinh viên khoá đầu tiên và cũng là một cán bộ giảng dạy gắn bó lâu năm với trường (1959-1992), từ đáy lòng tôi cầu chúc trường Đại học Sư phạm Hà Nội ta luôn giữ vững lá cờ đầu của toàn ngành vững bước tiến vào thế kỷ XXI, xứng đáng với niềm tin yêu của toàn thể cán bộ, sinh viên cũ và mới của trường ta.

                 Nguyễn Bá Thịnh


Source: 
30-08-2021
Tags